Miền Tây Nam Bộ có nhiều món ngon đường phố xứng đáng được gọi là “mỹ vị nhân gian” mặc dù chúng vô cùng giản dị và thân thương – nét văn hóa đặc trưng vùng đất này. Nếu phải kể tên một món ăn mà chỉ ở miền Tây mới có thì đó chắc chắn là bún kèn. Món ăn dân dã, thôn quê này được người bán hàng rong gánh trên vai, rao vang khắp mọi con đường hay những hàng quán nho nhỏ bày tại chợ truyền thống như món ăn sáng bình dân. Nếu có dịp đến Kiên Giang, An Giang, bạn đừng bỏ lỡ món ăn đường phố độc nhất vô nhị này nhé.
Bún kèn hầu như chỉ có ở miền Tây Nam Bộ
Nhắc đến những loại đặc sản gây nhớ thương ở miền Tây thì không thể bỏ qua các loại bún. Bên cạnh bún riêu, bún mắm, bún nước lèo,… khiến bao tín đồ ẩm thực phải thòm thèm mỗi khi nhắc tới, bún kèn cũng là một đặc sản bạn nhất định phải thử khi đến với 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang.
Không được bày bán quá phổ biến như nhiều loại bún khác. Bún kèn hút hồn người nhìn trước tiên thông qua màu vàng bắt mắt “có một không hai”. Thoạt nhìn món ăn này, chắc hẳn bạn sẽ đoán được thứ nguyên liệu có trong đây chính là cá đồng. Tuy nhiên, thứ quan trọng hơn cả trong việc tạo hương vị đặc trưng cho bún kèn chính là… “Kèn”.
Nhiều bạn khi nghe đến đây chắc hẳn sẽ phải “đoán già đoán non”. Thực ra “kèn” là thứ gì mà lại được dùng để đặt tên cho món đặc sản trứ danh này? Thực chất, từ “kèn” hay “khèn” được vay mượn từ đồng bào người Khmer. Nó mang ý nghĩa “nấu bằng nước cốt dừa”. Bún kèn vì thế chính là sự giao thoa tinh tế. Vị ngọt cá đồng hòa trong làn nước dùng béo ngậy và thơm mùi nước cốt dừa.
Chế biến công phu, hương vị độc đáo
Cá được mua từ những mẻ cá biển mới vào bờ. Làm sạch rồi nấu chín, rỉa lấy phần thịt xé nhỏ. Lúc này, các gia vị như sả, củ riềng, nghệ, ớt được đâm nhuyễn rồi phi vàng. Cho thêm thịt cá vào xào săn. Có thể cho bột ngũ vị hương để tăng mùi vị. Dừa khô nạo lấy phần cơm rồi vắt nước cốt. Thêm nước ấm rồi bỏ vào nồi nước luộc cá nấu nôi. Sau đó sẽ cho phần thịt cá đã xào vào nồi nấu riu riu, nêm nếm vừa miệng. Nồi nước kèn lúc này có màu vàng đẹp mắt phảng phất mùi béo ngậy thơm của nước cốt dừa.
Nồi nước kèn lúc nào cũng nóng hổi, Khi có khách gọi, chủ quán nhanh tay lấy nhúm rau sống đủ loại như húng cây, rau răm, giá sống, dưa leo, đu đủ bào sợi để bên dưới, phía trên là lớp bún tươi. Sau đó, người bán lấy vá múc phần thịt cá biển lắng dưới đáy nồi đã nấu mềm, thấm vị cho lên trên mặt bún. Rồi chan thêm ít nước dùng xăm xắp đều khắp tô. Món ăn được trộn đều, sợi bún tươi, nhỏ nhắn hòa cùng nước dùng màu vàng tươi béo ngậy. Xen kẽ mớ thịt cá ngọt mềm và vị giòn của rau. Có thêm miếng nước mắm ớt mằn mặn, cay cay lại càng cuốn hút.
Ăn bún kèn chuẩn vị ở đâu?
Bún kèn đặc biệt gắn liền với 2 địa danh là Châu Đốc (An Giang) và Rạch Giá – Phú Quốc (Kiên Giang). Bún nước kèn Châu Đốc có sự kết hợp của các loại cá đồng như cá lóc, cá bông, cá rô được tách lấy phần thịt dày. Sau đó xào chung với gia vị như bột nghệ, bột cà ri, đinh hương,… Tạo thành màu vàng ươm bắt mắt. Ngoài ra, phần nước dùng của bún kèn Châu Đốc khá lỏng và nhiều chứ không đặc sệt. Bún kèn Châu Đốc (An Giang) thường có những đặc trưng riêng so với bún kèn ở Rạch Giá hay Phú Quốc (Kiên Giang).
Trong khi đó, bún kèn của vùng Rạch Giá hay Phú Quốc (Kiên Giang) lại được chế biến từ cá ngân xay nhuyễn là chủ yếu. Cá sau khi xay được xào với sả, ớt, tỏi cho đến khi khô và tơi như ruốc chứ không để nguyên miếng như ở Châu Đốc. Đặc biệt, có thể thấy phần nước dùng của bún kèn Kiên Giang thường sệt và ít hơn. Lần sau có đến An Giang hay Kiên Giang thì nhớ thử qua món bún kèn làm từ nước dừa béo thơm này xem sao bạn nhé!