Vùng miền nào giờ đây cũng dễ tìm ra quán bán chè trôi nước nhỉ. Đây là món ăn tráng miệng vừa ngon lại nhiều ý nghĩa. Có người kể rằng nguồn gốc của chè trôi nước là xuất phát từ chuyện Con Rồng Cháu Tiên. Lời kể này có đúng hay không? Câu chuyện thời xa xưa của món chè trôi nước sẽ được nói rõ ngay bên dưới. Cùng với đó, mình sẽ hướng dẫn phương pháp nấu chè trôi nước cơ bản nhất. Nấu chè này vốn không đơn giản nhưng với công thức dưới đây thì chắc chắn bạn sẽ không gặp khó.
Câu chuyện thời xưa của món bánh trôi nước
Nhiều người nghĩ rằng nó có từ công đoạn luộc bánh trong quá trình chế biến; điều này cũng khá hợp lý nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục. Theo một số tài liệu về ẩm thực văn hóa Việt Nam, món bánh trôi được bắt nguồn từ cảm hứng sự tích Con Rồng Cháu Tiên của dân tộc Việt Nam.
Truyền thuyết kể rằng vua rồng xứ Lạc Việt là Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ là tiên, sau đó hai người sinh được một chiếc bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Những người con này sau được cho là hậu duệ của người Việt Nam bây giờ nên mới hay có từ gọi “đồng bào” ngụ ý chỉ quan hệ gắn kết của mỗi con người Việt Nam. Và những chiếc bánh trôi này từ đó được xem là món bánh biểu hiện truyền thống đáng quý ấy.
Hướng dẫn nấu chè trôi nước ngon dẻo, không bị cứng
Chè trôi nước không chỉ có vị thanh mát, ngon miệng mà còn là nét đặc trưng trong ẩm thực truyền thống người Việt.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 300 gram bột nếp
- 200 gram đường thốt nốt
- 3 thìa canh đường cát trắng
- 200ml nước cốt dừa
- 50 gram dừa sợi
- 100 gram đậu xanh đã tách vỏ
- 70 gram gừng, 50 gram khoai lang (dùng khoai lang sẽ giúp cho viên chè được đứng và mềm dẻo để qua ngày không bị cứng)
- 3 thìa cà phê muối và 1 thìa canh bột năng
- 1 ít lá dứa và một ít vừng rang sẵn
- 250ml nước ấm
Cách làm ra sao?
Bước 1
Sơ chế đậu xanh, khoai lang: Đậu xanh rửa sạch, tốt nhất nên mua đậu xanh đã cà hết vỏ xanh bên ngoài. Ngâm đậu xanh trong nước nóng từ 1 đến 2 tiếng, khoai lang cạo sạch vỏ.
Hấp đậu xanh và khoai lang trong khoảng 20-25 phút, để nguội rồi rây nhuyễn khoai lang, riêng đậu xanh cho vào máy xay cùng ít nước (khoảng 20ml nước ấm).
Bắc chảo lên bếp cho đậu xanh đã rây nhuyễn vào sên trên lửa vừa, cho tiếp 80ml nước cốt dừa, 2 thìa canh đường, dừa thái sợi vào sên cùng, nêm nếm chút muối sao cho hợp khẩu vị. Sên đến khi thấy phần đậu xanh đã thành khối dẻo, mịn thì sau đó tắt bếp. Cho đậu xanh ra bát, để nguội rồi vò thành những viên nhỏ để làm nhân bánh (khoảng 2- 3 cm). Dùng màng bọc thực phẩm bọc lại để phần nhân không bị khô.
Bước 2
Nhồi bột và tạo hình viên chè: Cho từ từ 250ml nước ấm vào 350 gram bột, cho thêm ¼ thìa cà phê muối, 50 gram khoai lang vào, nhồi bột đến khi bột không còn dính trên tay. Sau đó dùng màng bọc thực phẩm ủ bột trong khoảng thời gian 20 phút nếu có thời gian ủ càng lâu thì viên chè sẽ càng ngon hơn.
Tiếp theo chia nhỏ bột ra từng phần và vo tròn lại. Cho đậu xanh vào chính giữa bột bánh, nặn thật khéo để làm sao phần nhân không bị lộ và rơi ra ngoài khi luộc. Nếu phần bột còn dư thì có thể vo thành những viên tròn không nhân.
Bước 3
Nấu nước cốt dừa, nước gừng: Đổ 120ml nước cốt dừa vào nồi cho thêm 100ml nước lọc; 1/2 thìa cà phê muối, 1 thìa canh bột năng. Nó sẽ giúp cho phần nước cốt được sánh hơn không bị béo và quá ngậy. Đảo đều và đun trên lửa vừa đến khi phần nước cốt sôi nhẹ thì tắt bếp.
Chuẩn bị 1 lít nước đổ vào nồi và cho 200 gram đường thốt nốt thêm 1 thìa cà phê muối đun sôi cho tan đường. Cho thêm gừng đã thái sợi, 1 ít lá dứa vào đun đến khi thấy gừng đã trong hơn và mùi gừng tỏa khắp thì vớt lá dứa ra ngoài.
Bước 4
Nấu chè: Thả hết số viên chè đã làm vào nồi, đun trong khoảng thời gian từ 10-15 phút; đến khi thấy những viên chè nổi lên trên mặt nước và đường đã thấm vào từng viên chè thì tắt bếp.
Sau khi nồi chè trôi nước đã được nấu xong, múc chè ra chén cùng với nước đường, gừng; thêm vào một ít dừa thái sợi, rắc một ít mè; chan thêm một ít nước cốt dừa lên trên là có thể thưởng thức.
Lưu ý: Mỗi người sẽ có khẩu vị và sở thích khác nhau. Thế nên bạn có thể điều chỉnh lượng đường hoặc gừng cho vào thật phù hợp.