Bạn biết không, các món dưa muối hầu như đều xuất phát từ miền Bắc và miền Trung đấy. Miền Nam cũng có nhưng chủ yếu là muối chua ngọt. Còn miền Bắc và Trung thì muối vị chua chua mặn mặn. Nhắc đến món muối lại nhớ tới dọc mùng muối ở Nghệ An rồi. Bạn về Nghệ An, dùng cơm tại 10 gia đình thì hết 7 đến 8 nhà là có đĩa dọc mùng muối rồi. Đây là món ăn phụ vô cùng phổ biến tại miền Trung nói chung. Mà công thức làm của người Nghệ An mới là chuẩn vị nhất.
Dọc mùng muối chua – món ăn đơn giản ở xứ Nghệ
Dưa mùng muối chua là món ăn truyền thống, dân dã của người dân Nghệ An. Hầu như, các gia đình nơi đây đều trồng một vạt mùng tươi xanh. Từ dưa mùng muối chua, có nhiều món ngon như: Dưa mùng trộn lá chanh và giá đỗ, dưa mùng nấu canh cá, dưa mùng nấu ngao, nộm dưa mùng… Dọc mùng muối chua trộn lá chanh cùng tỏi, ớt, đường, ăn kèm bánh đa và thịt luộc là món ngon ‘đưa cơm’ ngày hè của người dân xứ Nghệ.
Hướng dẫn làm món dọc mùng muối chua
Nguyên liệu cần có cho 5-6 người
- 1 kg dọc mùng
- Nước vo gạo
- Gia vị: Đường, muối hạt, tỏi, ớt, lá chanh
- Giá đỗ (để trộn) sau khi muối chua
- Lọ (hũ) thủy tinh sạch
Cách chọn mua dọc mùng (mùng) tươi ngon:
- Bạn nên chọn mua dọc mùng có kích thước vừa phải, không quá to cũng không quá nhỏ.
- Dọc mùng để muối là dọc mùng được trồng ở nơi có nước, giữa cuống lá có chấm đỏ. Nếu là chấm trắng thì bạn không nên mua vì đó là loại ngứa, không ăn được.
Cách làm thế nào?
- Dọc mùng đem phơi ở nơi râm mát cho hơi héo. Dùng khăn vải lau các mặt thân mùng, rửa nhiều lần cho sạch, để ráo nước. Cắt thành từng khúc vừa ăn. Ngâm vào nước muối loãng khoảng 30 phút (để không bị ngứa). Sau đó, rửa sạch 2-3 lần nước lã, để ráo nước.
- Cho dọc mùng vào chậu, thêm 1 – 1,5 thìa canh muối hạt, đeo găng tay bóp đều.
- Lọc nước vo gạo lấy phần nước trong.
- Cho nước vo gạo vào nồi cùng 1,5 muỗng canh muối hạt, 1-1,5 muỗng canh đường, khuấy tan, bật bếp đun sôi. Khi sôi, hạ nhỏ lửa, vớt bỏ bọt, tắt bếp, để nước nguội hoàn toàn.
- Vắt bớt nước muối lúc trước khi ướp. Cho mùng vào lọ.
- Đổ nước vo gạo (đã nguội) vào ngập, dùng đá hoặc vật nặng nén trên bề mặt cho mùng không nổi lên. Đậy nắp và để nơi thoáng mát 3-4 ngày là mùng chua và có màu hơi vàng.
Cách bảo quản: Cho mùng muối chua vào ngăn mát tủ lạnh có thể dùng được cả tháng và hãm vị chua, lại giòn, tươi mát.
Cách làm món dưa mùng trộn lá chanh và giá đỗ: Lấy một lượng dọc mùng vừa đủ ăn, vắt bớt nước chua. Sau đó, trộn với chút đường (điều chỉnh độ ngọt theo khẩu vị). Thêm tỏi, ớt băm nhuyễn, giá đỗ rửa sạch, trộn đều. Cuối cùng rắc lá chanh thái chỉ và thưởng thức cùng bánh đa nướng, thịt luộc rất ngon.
Lưu ý
- Không nên phơi dọc mùng ở nơi nắng to quá sẽ bị héo khô, mất nước khi muối không còn giòn nữa.
- Lọ (hũ) muối cần khử trùng và để khô ráo để bảo quản mùng muối được lâu.
- Khi ăn, dùng đũa sạch gắp lượng vừa đủ dùng. Nếu ăn còn thừa thì không cho vào lọ mùng muối vì dễ bị lên men, nổi váng.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Xem thêm tin tức ẩm thực Việt Nam tại đây.