Khi đặt chân đến kinh đô ánh sáng Paris nói riêng và đất nước Pháp xinh đẹp nói chung, người ta luôn mê mẩn với các công trình nghệ thuật, kiến trúc. Bên cạnh đó nền ẩm thực phong phú cũng là đặc trưng văn hóa nơi đây. Pháp vốn nổi tiếng là cái nôi của bánh ngọt. Bánh ngọt Pháp thực sự rất đa dạng, hấp dẫn mang hương vị đặc trưng. Trong số đó, chắc hẳn ai cũng biết ít nhiều về loại bánh croissant – hay còn gọi là bánh sừng bò. Loại bánh này có bán tại mọi tiệm bánh ngọt, quán cà phê ở Pháp. Dường như nó đã trở thành biểu tượng, niềm tự hài của Pháp mỗi khi họ nói về bánh ngọt.
Nguồn gốc của bánh sừng bò
Trong nhiều năm, các nhà sử học ẩm thực đã tranh cãi về nguồn gốc của bánh sừng bò; và đặt ra câu hỏi liệu bánh sừng bò có thực sự là một loại bánh ngọt của Pháp? Theo nhiều ghi chép, hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực đều truy tìm nguồn gốc của bánh sừng bò ở Áo và các nơi khác ở Đông Âu; nơi những chiếc bánh ngọt nhỏ gọi là kipferl đã được tạo ra ít nhất là từ thế kỷ 13.
Theo truyền thuyết, kipferl xuất hiện từ năm 1683; trong lễ kỷ niệm chiến thắng của người Áo trước đội quân Ottoman trong cuộc bao vây Vienna. Một người thợ làm bánh thức dậy từ rất sớm; nghe thấy tiếng đội quân Ottoman đang đào hầm bên dưới; đã báo động cho toàn thành phố. Hình dạng cong của kipferl được cho là mô phỏng hình trăng lưỡi liềm trong lá cờ của Ottoman; và chiếc bánh để tri ân người thợ làm bánh đã phát hiện quân địch kịp thời và tinh thần bất khuất của thành phố.
Lịch sử ghi nhận một doanh nhân người Áo tên là August Zang; đã mở tiệm bánh kiểu Vienna đầu tiên tại Paris vào năm 1838. Cửa tiệm đặc biệt với chiếc lò nướng hơi nước được cấp bằng sáng chế; sử dụng cỏ ẩm khiến những chiếc bánh có độ sáng bóng. Sau đó, người doanh nhân trở về nước; hàng loạt tiệm bánh bắt chước mọc lên. Qua nhiều thập kỷ, bánh sừng bò được người Pháp cải tiến, trở nên mỏng, nhẹ hơn; và mang cho mình cái tên mới – croissant.
Croissant trở thành niềm tự hào của ẩm thực Pháp
Hương vị, độ mềm xốp của bánh sừng bò của nước Pháp có được lại do công của một thợ làm bánh người Pháp tên Sylvain Claudius Goy. Vào năm 1915, ông đã viết một công thức mới củng cố kỹ thuật cốt lõi của việc nướng bánh sừng bò. Việc sử dụng men của ông cũng giúp phân biệt bánh làm từ bột ngàn lớp không men (Pâte Feuilletée) với bánh được làm từ bột ngàn lớp có men (Pâte Levée Feuilletée). Công thức quan trọng này được xem là khởi nguồn khai sinh ra bánh sừng bò ngày nay.
Chiếc bánh giòn tan và nhiều lớp, nịnh khách với mùi bơ thơm; ngập tràn trong khoang miệng. Tên tiếng Pháp phát âm dễ bị nhầm lẫn; cộng với độ phổ biến của nó tại đất nước này đã khiến nhiều du khách lầm tưởng loại bánh này có nguồn gốc từ Pháp; song trên thực tế nó có nguồn gốc từ Áo, trải qua hành trình dài để trở thành niềm tự hào của ẩm thực Pháp đương đại.
Người Pháp có thể ăn bánh sừng bò cả ngày. Bạn sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh người Pháp ung dung thưởng thức bữa sáng bên ly cà phê và chiếc bánh sừng bò vàng ruộm. Tới bữa trưa, chiếc bánh ngay lập tức được rạch làm đôi nhồi vào bên trong chút salad, thịt nguội và phô mai, no nê và đủ chất cả buổi chiều làm việc.
Tạo ra chiếc bánh sừng bò đạt chuẩn như thế nào?
Croissant truyền thống được làm bằng cách tạo ra nhiều lớp bột, bơ hoặc bơ thực vật. Một lớp bột mỏng được phủ trong một lớp bơ, sau đó gấp lại. Đặc trưng của bột ngàn lớp là khi bột cán xong sẽ giống một khối bột thông thường nhưng nhìn vào mặt cắt sẽ thấy nhiều lớp bột và bơ xếp chồng lên nhau. Khi nướng chín, bột sẽ nở ra và phồng lên thành từng lớp mỏng và giòn. Để làm bột ngàn lớp thì cần bọc bơ vào bột hoặc bột vào bơ sau đó cán mỏng dần rồi gấp lại, tiếp tục cán mỏng, làm sao để bột tạo được càng nhiều lớp càng tốt.
Michel Lyczak, một thợ làm bánh croissant chuyên nghiệp, cho biết bí mật của một chiếc croissant xuất sắc đến từ chất lượng của nguyên liệu. Bột mì phải giàu protein và phải dùng sữa tươi nguyên chất để lạnh. Sau khi cán phẳng và gấp bột; thợ làm bánh cắt thành các hình tam giác; sau đó cho vào tủ lạnh 12 tiếng để lên men.
Hiện nay, bánh croissant rất phổ biến và được bán khắp nơi trên thế giới. Ngoài croissant truyền thống, du khách có thể thưởng thức muôn vàn kiểu biến tấu như phủ chocolate, nhân thịt nguội… Nó đã trở thành một biểu tượng của du lịch Pháp cùng với tháp Eiffel, bánh mì baguette…
>>> Xem thêm về ẩm thực Quốc tế.