Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, giá trị dinh dưỡng của trứng gà và trứng vịt tương đối giống nhau, nhưng xét về thành phần vi chất dinh dưỡng thì trứng gà tốt hơn trứng vịt, hàm lượng kẽm và vitamin A trong trứng gà cao hơn so với trứng vịt lộn, trứng gà cũng chứa nhiều vitamin D, một loại vitamin có rất ít trong thực phẩm. Giàu dinh dưỡng là thế nhưng không phải mẹ nào cũng biết cho trẻ ăn trứng như thế nào mới đúng đâu nhé. Giờ thì cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc này.
Trẻ nên ăn bao nhiêu trứng là đủ?

Tuy trứng là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều, vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu rối loạn tiêu hoá tuỳ theo tháng tuổi mà cho ăn số lượng khác nhau :
Trẻ 6 -7 tháng tuổi: chỉ nên ăn ½ lòng trứng gà/bữa, ăn 2 – 3 lần/tuần
Trẻ 8 – 12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3 – 4 bữa trứng 1 tuần
Trẻ 1 – 2 tuổi: nên ăn 3 – 4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng
Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.
Trong một quả trứng có chứa 185 miligam cholesterol, trong khi đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên không nên tiêu thụ hơn 300 miligam cholesterol trong chế độ ăn mỗi ngày.
Cũng có nhiều nghiên cứu ủng hộ khuyến nghị này. Một nghiên cứu được công bố trên JAMA cho thấy rằng ăn nhiều cholesterol trong chế độ ăn – và đặc biệt là trứng – có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong. Điều đó có nghĩa là bạn nên theo dõi lượng trứng ăn vào, nhất là đối với trẻ em.
Lưu ý khi chế biến trứng cho trẻ
Theo Viện dinh dưỡng, nhiều gia đình Việt còn có thói quen cho trẻ ăn lòng đỏ trứng gà sống, hay hoà vào cháo nóng. Tuy nhiên, ít ai biết, trứng gà khi sống có rất nhiều vi khuẩn. Sức đề kháng của trẻ còn rất non nớt, nên khó có thể chống chọi được những vi khuẩn gây bệnh.
Khi rán trứng ốp cho trẻ, các bậc phụ huynh nên hạn chế dùng lửa quá to, như vậy, mặt ngoài của trứng sẽ dễ cháy, trong khi mặt trong lại chưa chín. Lúc đó, lòng trắng trứng bị cháy sẽ khó hấp thu, lại tiêu hủy các vitamin tan trong nước như vitamin B1, B2, còn lòng đỏ chưa được tiệt khuẩn nếu có. Vì vậy, khi rán hoặc ốp trứng, nên để lửa nhỏ, thời gian lâu một chút cho lòng đỏ vừa chín là tốt.
Đối với trẻ 6-12 tháng tuổi
Nên cho ăn bột trứng. Cách nấu bột trứng: nấu chín bột, mới cho trứng, đập lòng đỏ trứng vào bát đã có rau băm nhỏ, đánh đều trứng và rau. Nồi bột sôi trên bếp đổ trứng và rau vào quấy đều nhanh tay, bột sôi lên là được. Không nên đun kỹ quá, trứng khó hấp thu cũng không nên luộc chín trứng rồi nghiền lòng đỏ nấu bột vì qua nhiều lần chế biến trứng khó hấp thu.
Đối với trẻ trên 12 tháng tuổi
Trẻ 1-2 tuổi: có thể ăn cháo trứng, cũng tương tự như nấu bột trứng, khi cháo chín mới cho trứng, đun sôi lại là được, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên: có thể ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán đúc thịt, trứng sốt cà chua ăn với cơm, tốt nhất là ăn trứng luộc chín tới.
Các món trứng ngon cho bé ăn dặm
Trứng hấp

Nguyên liệu:
- Thịt heo xay
- Nấm rơm, đậu que, cà rốt
- Trứng
- Hành tím
Cách chế biến:
B1: Sơ chế nguyên liệu
- Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, dùng dao băm nhuyễn.
- Rửa sạch đậu que, thái hạt lựu.
- Cạo vỏ, rửa sạch cà rốt rồi thái hạt lựu.
- Cắt bỏ gốc nấm rơm, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút, rửa sạch 2 lần với nước và vớt ra cho ráo, thái hạt lựu.
- Rửa sạch thịt lợn, băm nhuyễn hoặc xay nhuyễn với máy xay.
- Ướp thịt với một chút hành tím băm nhuyễn, nêm chút gia vị (loại dùng riêng cho bé ăn dặm), ướp trong khoảng 5 – 7 phút để thịt ngấm đều gia vị.
B2: Đập trứng vào tô, dùng đũa đánh đều trứng.
B3: Cho hỗn hợp đậu que, đậu hà lan, nấm rơm, cà rốt và thịt vào hỗn hợp trứng, trộn đều.
B4: Đun nước, hấp cách thủy trong khoảng 15 – 20 phút là có thể thưởng thức.
Trứng cuộn thanh cua
Nguyên liệu:
- 4 quả trứng
- 1 cây thanh cua
- 75ml nước dùng gà
- Dầu ăn, muối, tiêu, đường
- Vừng đen, rau mầm
Cách chế biến:
B1: Đập 4 quả trứng vào tô, cho chút nước dùng gà vào, nêm nếm chút muối, tiêu, đường vừa ăn. Dùng đũa khuấy đều hỗn hợp cho hòa tan hoàn toàn.
B2: Cắt thanh cua làm đôi theo chiều dài để tạo hình quả táo cho phần thanh cua trong trứng cuộn.
B3: Phết một lớp dầu ăn mỏng trên chảo, đợi chảo nóng, đổ 1 lớp trứng mỏng rồi dàn đều khắp bề mặt chảo.
B4: Cuộn trứng
- Xếp 2 miếng thanh cua lại với nhau, phần vỏ đỏ hướng ra ngoài.
- Khi mặt dưới trứng bắt đầu săn lại, đặt thanh cua vào và nhẹ nhàng cuộn trứng vào quanh thanh cua thật đều tay.
- Đẩy trứng về góc chảo cùng chiều với bạn để cuộc dễ dàng hơn, rồi tiếp tục đổ lớp trứng thứ hai vào rồi cuộn cho hết hỗn hợp trứng. Chú ý dùng đũa gắp nhẹ nhàng để trứng không bị vỡ.
- Đợi trứng nguội, dùng dao cắt từng khoanh vừa ăn với bé là hoàn thành món ăn rồi.
Cháo trứng gà bí đỏ
Nguyên liệu:
- 50gr gạo
- 50gr bí đỏ
- 1 quả trứng gà
- 5gr phô mai
Cách chế biến:
B1: Sơ chế bí đỏ
- Gọt vỏ bí đỏ, rửa sạch và cắt thành từng khúc nhỏ.
- Đặt nồi hấp lên bếp, chờ nước sôi, cho bí đỏ vào và hấp trên lửa lớn trong khoảng 5 – 7 phút rồi vớt ra bát.
- Bí đỏ chín mềm, dùng dụng cụ nghiền nhuyễn.
B2: Nấu cháo
- Ngâm gạo khoảng 1 – 2 tiếng trước khi nấu để cháo ngon và mềm hơn. Hoặc có thể rang gạo đều tay ở lửa nhỏ đến khi hạt gạo chuyển vàng thì bắt đầu nấu.
- Cho 50gr gạo cùng 400ml nước vào nồi, đậy vung và ninh cháo trên lửa vừa từ 15 – 20 phút. Trong quá trình đun cháo, nhớ đảo đều tay thường xuyên để tránh bị khét cháo.
- Khi cháo mềm và cô đặc lại, cho bí đỏ nghiền vào, khuấy đều tay cho hòa quyện vào nhau. Đậy vung, đun thêm khoảng 1 – 2 phút.
- Đập trứng ra tô, dùng vỏ trứng khéo léo tách lòng trắng để riêng và chỉ sử dụng lòng đỏ trứng, thả vào nồi cháo.
- Dùng đũa khuấy đều cho trứng tan ra.
- Cho 1 viên phô mai vào và tiếp tục đảo đều cho đến khi hoà quyện vào nhau trong khoảng 1 – 2 phút.