Thịt gà là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng Giêng, tưởng chừng như đây là một món ăn đơn giản nhưng không phải chị em nội trợ nào cũng biết cách luộc gà sao cho gà không bị nứt mà có màu vàng đẹp mắt. Nguyên liệu và cách làm gà luộc khá đơn giản nhưng để có thành phẩm gà cúng Tết vàng ươm, căng bóng, da giòn bên ngoài, ngọt mềm, bên trong không bị đỏ, phần đùi không bị mất vị… đòi hỏi người nấu sự tỉ mỉ và kinh nghiệm. Nếu bạn chưa biết cách luộc gà sao cho ngon thì hãy học ngay bí quyết này.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
– Một con gà trống hoa tầm 2-2,3kg (gà trống mới tập gáy, biểu tượng cho sự tinh anh, trong sạch). Chú ý chọn gà mào đỏ tươi, chân vàng, ức đầy đặn, lỗ chân lông vừa phải, đủ móng.
– Nồi luộc gà: Nồi đế dày, sâu lòng, đủ rộng chứa gà
– Gia vị nêm nếm nồi nước để giúp gà luộc thơm ngon hơn gồm:
+ 1 thìa canh bột canh/muối hạt
+ 1-2 thìa cà phê hạt nêm.
+ Một nhánh gừng nhỏ dập dập.
+ 3-4 củ hành tím.
+ 2-3 cuống trắng hành hoa.
– Các nguyên liệu khác:
+ Lạt ngâm nước cho mềm, dùng buộc gà cánh tiên
+ Nước sôi để nguội ngâm chút đá viên để ngâm gà sau khi luộc
+ Mỡ gà + 1 nhánh nghệ tươi giã nhỏ (hoặc bột nghệ) để làm mỡ nghệ
+ Khăn xô sạch ủ gà
+ Muối hạt, chanh để vệ sinh gà hết mùi hôi khi sơ chế
Cách luộc gà ngon và không bị nứt da
Chọn gà và sơ chế
Bước 1: Chọn gà cúng thì phải chọn loại gà trống tơ mào cờ đỏ tươi, chân vàng, ức đầy, nếu chọn gà ta thì hãy chọn gà ri thì thịt sẽ dai, da vàng hơn.
Bước 2: Tạo dáng gà luộc cánh tiên bằng cách bẻ gập 2 chân gà vào sát phía đùi gà. Sau đó dùng chỉ buộc cố định 2 chân gà lại. Đồng thời dựng đứng cổ gà và nghiêng về phía mình gà, sau đó đan chéo 2 cánh vào nhau rồi dùng 1 đoạn dây nhỏ để cố định.
Để gà không bị nứt trong quá trình luộc, sau khi làm sạch và sơ chế, bạn cho gà vào nồi. thêm nước lạnh ngập gà rồi đặt lên bếp đun sôi. Với cách này, gà sẽ chín dần từ ngoài vào trong, chín đều, da không bị nứt. Nếu bạn sử dụng gà đông lạnh để luộc thì bạn cần rã đông hoàn toàn trước khi luộc. Bởi luộc gà đông lạnh lâu chín, phần xương thường bị đỏ, khó căn thời gian luộc nên dễ bị sống hoặc chín quá nứt da.
Luộc gà
Bước 3:
Cho gà, lòng mề đã làm sạch vào nồi sâu lòng, đế dày, đổ nước lạnh vào ngập gà là tốt nhất. Không nên cho tiết gà vào lúc này vì dễ làm gà có váng đen. Cũng không nên luộc nồi đế mỏng vì dễ bén dính da gà.
Luộc gà trong mức lửa lớn, đến khi nước sôi lên thì hạ nhỏ lửa để nước sôi từ từ. Nếu nồi gà luộc sôi sùng sục, phần thịt ở đùi sẽ co tụt lên, rất xấu. Thêm muối/bột canh, hạt nêm, hành tím, phần gốc trắng của hành lá vào nồi nước luộc gà để thơm ngon, đậm vị hơn.
Thời gian luộc gà
Đợi nồi gà luộc sôi tầm 5 phút, bạn hạ lửa nhỏ hết cỡ và tiếp tục đun khoảng 5 phút rồi mới tắt bếp, đậy kín vung chừng 20 phút nữa. Để kiểm tra gà có chín hay chưa, lấy 1 chiếc tăm nhọn chọc vào gà. Nếu ở vị trí cắm đũa không có nước hồng chảy ra chứng tỏ gà đã chín. Thông thường, thời gian luộc chín một con gà trung bình là 30 phút, nhanh hơn có thể là 20 phút, còn nếu muốn gà chín đều, vàng óng thì phải luộc ở mức lửa nhỏ khoảng 45 phút.
Sau khi luộc gà
Bước 4: Sau khi luộc gà xong, bạn hãy thả ngay vào trong thau nước càng lạnh càng tốt để da gà săn lại, căng bóng, cách này cũng giúp da gà giòn. Gà nguội hẳn thì vớt ra rổ cho ráo nước. Muốn da gà vàng ươm bạn hãy giã nát một ít nghệ vàng rồi vắt lấy nước, trộn với mỡ gà đã rán vàng rồi quét một lớp mỏng lên da gà.
Bước 5: Khi bày gà cúng lên đĩa, chúng ta nên đặt sao cho đầu gà hướng lên và ngậm thêm bông hoa hồng để thể hiện ước mong mọi điều an lành, hạnh phúc.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về cách luộc gà cúng rằm tháng Giêng. Chúc bạn thành công!
>> Xem thêm nhiều bài viết hơn tại Taghusa