Người miền Tây hào sảng ngất trời, phóng khoáng, thoải mái, đôi khi còn xuề xòa và dễ dãi trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày. Đây là cái nhìn chung của du khách tứ phương khi ghé thăm nơi đây. Những nét tính cách ấy cũng phần nào được thể hiện trong phong cách ẩm thực miền Tây. Thêm vào đó, người dân chốn này không chỉ kế thừa, phát huy truyền thống mà còn liên tục khám phá, sáng tạo để làm giàu thêm văn hóa của vùng miền. Từ đó, món ăn và cách ăn của người miền Tây ngày càng phong phú, đa dạng và khác biệt hơn.
Nguyên liệu tươi sống dồi dào

Do điều kiện tự nhiên ở vùng đồng bằng sông nước, tài nguyên nông nghiệp phong phú dồi dào nên người miền Tây có rất nhiều món ăn và cách ăn đa dạng. Với nhiều cách chế biến, từ thô sơ mộc mạc đến phức tạp cầu kỳ. Nhưng hầu hết thức ăn đều được nấu từ thực phẩm tươi sống đánh bắt tại chỗ.
Người dân ưa chuộng cá, tôm, lươn, trạch
Các món ăn cơm hàng ngày của người miền Tây thông thường là cá, tôm, lươn, trạch,… là những thứ dễ kiếm, ít chất béo, dễ tiêu hóa. Không phải chỉ riêng ở nông thôn mà ngay trong các thành phố, thị xã, trong các bữa tiệc ở nhà hàng cũng không vắng mặt được các món này. Người miền Tây có câu: “Không gì ngon bằng cơm với cá / Không có tình yêu nào bằng má với con”, câu này đã nói lên sự yêu thích, quý trọng nguồn thực phẩm chủ yếu là cá của họ.
Đa dạng hương vị
Về khẩu vị người Tây Nam Bộ nói chung là thích ăn cay (dùng tiêu ớt, gừng, tỏi, sả… làm giảm bớt mùi tanh của cá, lươn, ếch, rùa, rắn); ưa ăn món mặn (các loại mắm, cá khô…); thích ăn chua (canh chua, dưa chua…); ưa ăn chát (bắp chuối, chuối chát, trái bần, lá điều, đọt vừng) và thích ăn đắng (khổ quả, rau đắng đất, mật cá lóc, mật cá kèo…)

Mắm – Món ăn “cứu đói”
Người Tây Nam Bộ thích nhất là mắm đồng với các loại cá được muối phổ biến là sặc, lóc, trê, rô, chốt, linh, tôm, tép… Mắm trữ lâu ngày càng ngon, lúc đó vừa có mắm cá để ăn. Vừa có nước mắm làm nước chấm với hương vị đặc biệt hơn nước mắm biển. Năm bảy chục năm về trước, lúc nguồn thực phẩm tự nhiên còn dồi dào. Trong mỗi gia đình người dân ở nông thôn, nhà nào cũng dự trữ đôi ba khạp, hũ mắm cá đồng. Vào đầu mùa mưa, cá con mới nở, khó kiếm thức ăn nên bà con nông dân thường ăn mắm chưng với bí rợ hầm nước cốt dừa, đơn giản mà ngon đến lạ lùng.
Lẩu mắm miền Tây chiêu đãi bạn hữu phương xa
Đúng như tên của nó, lẩu mắm được chế biến từ mắm, đặc sản xứ này. Một nồi lẩu mắm đúng điệu miền Tây sẽ gồm có mực, tôm, cá biển. Các loại rau dân dã, mắm cá sặc và mắm cá linh. Mắm cá được ủ trong những chiếc lu sành trong khoảng thời gian dài để dậy vị và ngấm mùi. Lúc nấu lẩu thì pha loãng mắm cho vào hầm cùng phần nước súp được ninh từ xương heo. Vị nước dùng ngọt ngào, thanh mát cùng mùi mắm đặc trưng. Trong nồi lẩu đúng điệu miền Tây còn có cà tím, khổ qua, nấm… làm cho màu sắc thêm phần hấp dẫn và ăn không ngấy.
Món lẩu mắm là món ăn dân dã nên chẳng kiêng loại thực phẩm nào. Thịt ba rọi, cá, tôm, tép, mực đều có thể bỏ chung vào một nồi lẩu. Rau củ thì có thể là bông súng, bông bí, rau đắng, bắp chuối, mùa nào thức đó. Giản dị mà hào phóng hệt như tính cách người miền Tây vậy. Người miền Tây thường nấu lẩu mắm để tiếp đãi bạn phương xa ghé chơi. Hương vị độc đáo của món ăn này khiến thực khách xiêu lòng không ít. Đi rồi vẫn quyến luyến bồi hồi. Nếu bạn có dịp du lịch đến các tỉnh miền Tây sông nước. Đừng quên thưởng thức món ăn này nhé.