Giả cầy là một phương pháp nấu thường thấy ở miền Trung hay Bắc vào các ngày lạnh. Hương riềng chín thơm, vị thịt giả cầy đậm đà, mằn mặn thì thật là ấm bụng trong mùa đông. Bạn có muốn học cách chế biến món ăn đặc biệt này không? Ở miền Nam mùa này cũng hay có mưa, trời mưa mà ăn món giả cầy cũng ngon đấy. Nguyên liệu chính để nấu giả cầy ngon nhất là chân giò. Để làm được món này thì bạn nên lựa được chân giò ngon. Còn công thức chế biến thì không quá khó, chỉ cần theo những bước sau đây.
Giả cầy chân giò là món ăn có nguồn gốc từ vùng đất Bắc Bộ
Giả cầy chân giò heo là món ăn có nguồn gốc từ vùng đất Bắc Bộ. Sức hấp dẫn trong cách nấu giả cầy chân giò heo chính là sự hòa quyện hương vị giữa riêng, sả, mắm tôm và vị ngọt tự nhiên của giò heo nên được rất nhiều người yêu thích.
Giò heo được hầm chín mềm thấm đều với nước sốt sánh quyện vô cùng đậm đà và hấp dẫn đã làm nhiều người yêu thích ngay từ lúc thưởng thức lần đầu. Hơn nữa, nguyên liệu và cách chế biến món giả cầy chân giò heo này cũng khá dễ. Bạn có thể tham khảo chi tiết theo công thức dưới đây của chúng mình nhé!
Hướng dẫn cách nấu chân giò giả cầy kiểu Bắc
Thịt chân giò đậm vị, nước sánh vàng rượi, dậy mùi đặc trưng của riềng mẻ mắm tôm, xen kẽ hành răm, rau ngổ xanh tươi rất hấp dẫn.
Nguyên liệu cần có cho 4-5 người
- 1 kg thịt móng giò và thịt chân giò
- 1 bát (chén) riềng giã nhỏ (hoặc xay)
- 5-6 thìa canh mẻ
- 2 thìa canh mắm tôm
- 2 thìa canh nước nghệ tươi (giã nhỏ, vắt lấy nước)
- 2 thìa canh dầu điều (tùy chọn để tạo màu đẹp mắt)
- 1 thìa canh rượu trắng
- 1 thìa canh đường
- 1 thìa canh nước mắm
- 1 thìa cà phê bột canh
- 1 thìa cà phê hạt nêm
- Hành lá, rau răm, rau ngổ, rau húng…
- Măng củ (tùy chọn)
- Bún tươi
Cách làm thế nào?
Móng giò và chân giò đem thui bằng rơm (nếu không có thì bọc giấy báo và đốt) sao cho lớp bì ngả màu sậm nâu vàng là được. Sau đó, rửa sạch, chặt miếng vừa ăn.
Ướp móng giò, chân giò với: 1 bát riềng giã nhỏ, 5-6 thìa canh mẻ, 2 thìa canh mắm tôm, 2 thìa canh nước nghệ tươi (giã nhỏ, vắt lấy nước), 2 thìa canh dầu điều, 1 thìa canh rượu trắng, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê bột canh, 1 thìa cà phê hạt nêm. Dùng đũa đảo đều và ướp tối thiểu trong 1 giờ cho ngấm gia vị.
Phần độn ăn thêm (tùy chọn theo khẩu vị mỗi gia đình): Măng củ tươi, thái miếng vừa ăn, luộc hết đắng và xào sơ.
Cách nấu chân giò giả cầy: Nên nấu tối thiểu 2 lửa sẽ giúp món ăn tròn vị và thơm ngon. Cụ thể: cho chân giò đã ướp vào nồi, bật bếp đảo thịt và móng cho săn lại để gia vị ngấm gia vị. Đổ nước xâm xấp, thêm măng đã xào vào và đun sôi, hạ lửa nhỏ ninh trong 30 phút, tắt bếp. Trước khi gần ăn 30 phút thì bật bếp, đun 30-45 phút tùy theo khẩu vị mỗi người (thích giòn sần sật hoặc mềm). Cuối cùng rắc hành lá, rau răm, rau ngổ thái rối, đảo đều và tắt bếp, múc ra thưởng thức nóng với bún hoặc cơm đều ngon.
Yêu cầu thành phẩm
Thịt chân giò đậm vị, măng giòn sần sật, nước sánh vàng rượi, dậy mùi đặc trưng của riềng mẻ mắm tôm, xen kẽ hành răm, rau ngổ xanh tươi rất thu hút. Một số vùng ở Hà Nội thì ăn kèm giả cầy lẫn đậu phụ làng Mơ rán vàng giòn thơm bùi, xôm xốp đưa miệng.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Xem thêm tin tức ẩm thực Việt Nam tại đây.